Đáp:
Đối với ngành Sản khoa, siêu âm không chỉ là một loại xét nghiệm cận lâm sàng để bổ sung thêm thông tin cho việc chẩn đoán, mà đang dần được coi là một phương pháp không thể thiếu.
Có thể ví đây như là đôi mắt của bác sĩ, giúp họ nhìn được những hoạt động, hình ảnh bên trong buồng tử cung một cách rõ ràng và nhanh chóng. Nhờ siêu âm, ta mới xác định tuổi thai, phát hiện các bất thường thai kỳ và các dị tất của thai nhi.
Hỏi:
Vì nôn nóng mong “gặp con”, nên nhiều thai phụ đã đi siêu âm hàng tuần. Điều này có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Đáp:
Thực tế, chưa có nghiên cứu nào ghi nhận được bằng chứng về sự ảnh hưởng của sóng siêu âm đối với thai nhi. Tuy nhiên, việc siêu âm quá nhiều không đem lại nhiều thông tin. Hơn nữa, điều này lại khiến thai phụ di chuyển nhiều, không thật sự tốt và không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của họ.
Hỏi:
Có không ít trường hợp khi siêu âm ở hai nơi lại cho ra những kết quả khác nhau, thưa bác sĩ?
Đáp:
Thực ra, kết quả siêu âm không phải là bất biến, bởi thai nhi luôn cử động nên tư thế của thai cũng thường xuyên thay đổi. Do đó, kết quả siêu âm ở các nơi khác nhau cũng không hoàn toàn giống nhau. Đó là chưa kể trình độ và kinh nghiệm siêu âm, cũng như trang bị ở mỗi nơi là khác nhau.
Hỏi:
Các bác sĩ thường tính tuổi thai và ngày dự sinh chính xác nhất ở lần siêu âm đầu tiền. Nhưng khi thai nhi càng lớn thì việc tính ngày dự sinh lại càng sai?
Đáp:
Tính tuổi thai chính xác nhất đúng là căn cứ vào siêu âm hình thái đầu tiên, từ 11 – 14 tuần. Ở thời điểm này, tuổi thai được tính dựa vào thông tin chiều dài đầu mông của thai nhi (sai số chỉ lệch khoảng 3 ngày đến thời điểm sinh đủ tháng đối với thai phát triển bình thường). Khi thai càng lớn, việc tính tuổi chủ yếu căn cứ trên số đo của 3 lát cắt cơ bản là lưỡng đỉnh, chu vi bụng và xương đùi. Do sự phát triển ở các phần khác nhau của thai nhi không thật sự đồng nhất, nên có thể gặp sai số (càng về sau, sai số này càng nhiều). Ngoài ra, hiện những công thức và thước tính cài trên các máy siêu âm là dựa theo nghiên cứu của người nước ngoài, chứ chưa được tính trên số đo của người Việt Nam. Thế nên, việc tính tuổi thai khi thai càng lớn càng khó chính xác cũng là điều dễ hiểu. Việc phát hiện dị tật khi mang thai là rất quan trọng.
Hỏi:
Theo bác sĩ, siêu âm cho biết độ chính xác bao nhiêu % về dị tật?
Đáp:
Để siêu âm hình thái một cách cơ bản, thì cần phải sử dụng ít nhất 10 – 14 lát cắt chính ở các vị trí khác nhau trên cơ thể. Từ đó, mới xác định một cách cơ bản những bất thường về hình thái của thai nhi. Hiện nay, cấu hình của máy siêu âm “4D” đạt độ sắc nét rất cao, áp dụng được nhiều công nghệ xử lý hình ảnh tiên tiến, giúp quan sát hình thái thai nhi đầy đủ, chính xác và linh hoạt, giảm được tỷ lệ bỏ sót các dị tật. Tuy nhiên, vẫn còn có những trường hợp các bất thường hình thái không được phát hiện trên siêu âm. Sự bỏ sót này phụ thuộc chủ yếu vào tư thế của thai và từ kinh nghiệm của người siêu âm.
Hỏi:
Những loại dị tật nào ở thai nhi không thể phát hiện bằng siêu âm, thưa bác sĩ?
Đáp:
Siêu âm là để phát hiện và chẩn đoán các bất thường về hình thái thai nhi, còn sự hoạt động của các cơ quan trong cơ thể thai nhi thì rất khó có thể đánh giá, chỉ một số ít được đánh giá gián tiếp thông qua số lượng nước ối. Như vậy, siêu âm gần như không thể xác định được hoạt động chức năng của các hệ cơ quan trong cơ thể thai nhi. Nghiều người hay lầm tưởng rằng, thai không có bất thường hình thái thì chắc chắn không có bất thường về nhiễm sắc thể. Thực tế, vẫn có những trường hợp bất thường nhiễm sắc thể không biểu hiện ra bất thường về hình thái, nên siêu âm cũng không thể biết được. Điển hình là trường hợp bệnh Down do thừa 1 nhiễm sắc thể số 21. Các nghiên cứu trên thế giới nhận thấy, có khoảng gần 30% trường hợp bị Down không có biểu hiện bất thường về hình thái trên siêu âm thai.
Hỏi:
Xin bác sĩ cho biết, những mốc siêu âm nào là cần thiết và bắt buộc đối với bà bầu?
Đáp:
Tùy quan điểm của từng người, sẽ chỉ định cho thai phụ siêu âm với mục đích khác nhau. Nhiều nghiên cứu trên thế giới hiện đều có chung quan điểm là, có 3 mốc siêu âm quan trọng nhất tương ứng với 3 giai đoạn phát triển của thai nhi: lúc thai 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thai nghén, có thể sử dụng thêm một số mốc siêu âm khác, như mốc 18 tuần và 28 tuần, để bổ sung thêm trong việc sàng lọc và chẩn đoán bất thường của thai.
Hỏi:
Vì sao siêu âm lúc thai 12 tuần lại cần thiết và bắt buộc với các bà bầu?
Đáp:
3 tháng đầu là giai đoạn hình thành các cơ quan, bộ phận, tổ chức cơ thể của thai, nên siêu âm ở thời điểm từ 11 – 14 tuần là quan trọng nhất. Đây là lần siêu âm đánh giá hình thái đầu tiên của quá trình mang thai, giúp bác sĩ biết được em bé có phát triển bình thường không, có gì bất thường không và xác định tuổi thai chính xác nhất. Một thông tin rất quan trọng khác, là đo khoảng sáng sau gáy chỉ xuất hiện ở thời điểm này. Đây chính là yếu tố để sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể của thai, điển hình là thừa nhiễm sắc thể 21 gây ra bệnh Down.
Hỏi:
Ở giai đoạn 3 tháng giữa, sao lại chọn mốc 22 tuần là quan trọng, thưa bác sĩ?
Đáp:
Trong giai đoạn này, thai có sự phát triển và dần thay đổi để trở thành 1 em bé hoàn chỉnh. Lúc này, siêu âm quan trọng nhất là khi thai được 22 tuần tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đây là thời điểm dễ quan sát nhất, ít bỏ sót nhất và phát hiện được nhiều bất thường nhất về hình thái của thai nhi. Vậy còn mốc 32 tuần, siêu âm lúc này sẽ giúp bác sĩ và thai phụ nhận biết điều gì? Ở giai đoạn này, thai có sự phát triển rất mạnh, thể hiện ở sự tăng về kích thước. Siêu âm tại thời điểm này có thể giúp phát hiện được một số bất thường hình thái xuất hiện muộn, như giãn não thất bên, giãn bể thận… Hiện rất nhiều thai phụ đang băn khoăn giữa siêu âm 2D, 3D và 4D.
Hỏi:
Xin bác sĩ giải thích về sự khác nhau của các dạng siêu âm này và khi nào thì cần siêu âm 4D?
Đáp:
Siêu âm 2D là nhìn hình ảnh siêu âm theo 2 chiều ngang và dọc. Đây chính là các lát cắt siêu âm cơ bản và cũng là hình thức siêu âm được sử dụng chủ yếu trong Sản khoa, kể cả đánh giá hình thái thai nhi. Tất cả các hình ảnh mà người làm siêu âm dùng để đọc về thai đều được thực hiện chính trên các lát cắt 2D này. Siêu âm 3D là thêm chiều thứ 3, chính là hình ảnh trong không gian. Hình ảnh này được máy siêu âm dựng lại theo thuật toán đã được cài sẵn, là tập hợp hình ảnh từ các lát cắt 2D liên tiếp sát nhau, giúp đánh giá chủ yếu về bề mặt bên ngoài của thai nhi, nên thường được ưa chuộng vì nhìn rõ mặt em bé. Nếu hiểu và phân tích sâu hơn, thì siêu âm 3D còn có thể giúp đánh giá sâu về mặt hình thái của thai. Tuy nhiên, sự đánh giá này không phải ai cũng có thể hiểu và làm được. Do vậy, đa phần những người làm siêu âm 3D, 4D chỉ tập trung vào việc dựng hình ảnh không gian của thai nhi cho gia đình xem mặt. Siêu âm 4D là sự mở rộng của siêu âm 3D. Nếu siêu âm 3D chỉ là những hình tĩnh, thì siêu âm 4D là những ảnh động, cho phép quan sát trực tiếp những cử động của thai và đánh giá hình thái thai nhi trong không gian hoạt động theo thời gian của nó. Điển hình nhất, là đánh giá hình thái hoạt động của tim thai ở các thì tâm thu và tâm trương. Tuy nhiên, cũng vì không nhiều người hiểu và làm được, nên đa phần siêu âm 4D cũng chỉ được áp dụng chính là để nhìn mặt em bé, cùng những cử động trong bụng mẹ.
Hỏi:
Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho các bà bầu trước khi họ đi siêu âm thai?
Đáp:
Đơn giản, là các bạn nên tìm hiểu thông tin từ các nguồn chính thống về việc siêu âm thai. Cần tránh sự thu nạp thông tin một cách vội vàng, thiếu căn cứ, nhất là thông tin từ nhiều diễn đàn được lập nên bởi những người không có chuyên môn, hoặc không hiểu chính xác về siêu âm hình thái thai. Thực ra, khuyên như vậy rất khó. Vì ngay chính bản thân những người làm chuyên sâu về mảng chẩn đoán trước sinh, khi đứng trước một tình huống cụ thể, nhiều lúc cũng phải tra cứu thông tin trên mạng, để có thể đưa ra tư vấn cho các thai phụ. Thế nên, không phải trường hợp nào chúng tôi cũng có thể tìm được ngay câu trả lời từ kho “tài nguyên” trên mạng. Một điều xin lưu ý với các bà bầu, là nếu trong quá trình mang thai thấy ra máu, ra nước bất thường, cần đến khám kiểm tra xem có phải do dọa sảy thai không, hay là do polype cổ tử cung tồn tại từ trước mà chưa phát hiện ra. Trường hợp thấy thai các triệu chứng bất thường, cũn nên đến ngay Trung tâm Chẩn đoán trước sinh để được kiểm tra và chẩn đoán đầy đủ, chính xác.
PHÒNG KHÁM SẢN PHỤ KHOA BÁC SĨ CKII THÚY MAI
CHUYÊN KHÁM ĐIỀU TRỊ SẢN PHỤ KHOA NGOÀI GIỜ
BÁC SĨ CKII BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG
Địa chỉ : 232/17 Lý Thường Kiệt - Phường 14 - Quận 10 - Tp HCM
(Khu Phố 9 - ĐỐI DIỆN NHÀ THI ĐẤU PHÚ THỌ, NHÀ HÀNG PHONG LAN)
DỊCH VỤ KHÁM NGOÀI GIỜ:
Điện Thoại Tư Vấn : 0938 747 071
Hotline : 098 88 232 17
GIỜ LÀM VIỆC
Làm việc từ 16h45 - 20h30 trong tuần từ thứ 3 , 5.
Sáng CN:7h30 - 11h00 (Ngày Lễ nghỉ)
LƯU Ý
Do bệnh nhân đông nên yêu cầu bệnh nhân đăng ký lấy số trước một ngày hoặc trong ngày hôm đó để khám và tái khám.
CÁCH LẤY SỐ:
Nhắn tin: Họ tẹn, ngày khám gửi số 09 888 232 17